– Năm 2019 được đánh dấu bởi các cuộc biểu tình về khí hậu cùng với những tranh cãi về đạo đức trong việc chỉnh sửa gene người. Tuy nhiên, 2019 cũng là năm mà giới khoa học có được những “lần đầu tiên” thú vị: Một chiếc máy tính lượng tử vượt trội, một bức ảnh về lỗ đen vũ trụ và các mẫu vật được thu thập từ một tiểu hành tinh. Dưới đây là những sự kiện khoa học nổi bật của một năm vừa qua do tạp chí Nature bình chọn.
Tàu vũ trụ Curiosity thám hiểm sao Hỏa của NASA – Ảnh: NASA |
Đi sâu vào không gian
Tháng 4 năm nay, nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc chương trình Kính viễn vọng Chân trời sự kiện (Event Horizon Telescop Collaboration) đã công bố bức ảnh chụp lỗ đen vũ trụ đầu tiên trong lịch sử. Lỗ đen này nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
2019 cũng là năm kỷ niệm 50 năm đổ bộ lên Mặt trăng của NASA và các chiến dịch thám hiểm “vệ tinh của Trái đất” diễn ra ồ ạt. Vào tháng 1, tàu thăm dò Trung Quốc Chang Change-4 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh an toàn xuống phần tối của Mặt trăng. Chiếc rover Yutu-2 của nó tiếp tục lăn bánh trên vùng đất bụi bặm của miệng núi lửa Von Karman, tuy nhiên, những nỗ lực khám phá Mặt trăng khác của nó lại không thành công. Vào tháng 4, một tàu vũ trụ tư nhân của Israel cũng đã nỗ lực để đến với “chị Hằng”, tuy nhiên, nó đã hạ cánh không thành công. Điều tương tự cũng xảy ra với tàu Vikram của Ấn Độ vào tháng 9.
Các nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa cũng đã cho ra một số kết quả. Máy đo địa chấn do Pháp chế tạo trên tàu đổ bộ NASA InSight đã ghi lại được tín hiệu động đất đầu tiên trên sao Hỏa. Cách đó khoảng 600 km, tàu vũ trụ Curiosity của NASA đã “đánh hơi” được lượng khí metan cao kỷ lục trong bầu khí quyển sao Hỏa vào tháng 6- một bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được, khi loại khí này đã biến mất vài ngày sau đó. Trước đó, vào tháng 2, NASA chính thức nói lời chia tay với Opportunity- robot thám hiểm sao Hỏa- khi nó ngừng hoạt động sau 15 năm do gặp bão bụi.
Đi xa hơn trong Hệ Mặt trời, hồi tháng 2, tàu thăm dò Nhật Bản Hayabusa 2 đã thu thập được một mẫu vật từ bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu. Đến tháng 7, tàu vũ trụ New Horizon thám hiểm sao Diêm Vương của NASA đã phát hiện ra một tiểu hành tinh có hình dạng quái dị là Arrokoth, giúp cho các nhà khoa học có cái nhìn rõ hơn về một thế giới nguyên thủy băng giá.
Biểu tình yêu cầu chính phủ có hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu ở Nam Phi – Ảnh: AFP |
Biểu tình khí hậu
Một năm khủng hoảng về môi trường. Theo báo cáo của Cơ quan chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Liên Hợp Quốc), hiện có tới một triệu loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị hủy hoại và biến đổi khí hậu. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong một báo cáo đặc biệt của mình cũng kêu gọi những nỗ lực quyết liệt nhằm hạn chế nhu cầu đối với đất nông nghiệp. Nếu không, các nước sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 2 độ C so với thời tiền Công nghiệp như đã thỏa thuận trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Tình hình khí hậu là vậy nhưng các chính phủ lại hành đông ngược lại. Tại Brazil, Tổng thống Jairr Bolsonaro tuyên bố đóng băng 42% ngân sách dành cho Bộ Khoa học và Truyền thông nước này và vào tháng 7, ông đã cáo buộc các nhà khoa học che giấu về một vụ phá rừng ở Amazon. Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump tiếp tục các nỗ lực dỡ bỏ các quy định về môi trường và vào tháng 11, họ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Đáng buồn hơn, cách đây ít ngày, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25) đã kết thúc sau 2 tuần đàm phán mà không đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nào. Lời kêu gọi của nhiều nước và Liên minh châu Âu thông qua những mục tiêu tham vọng hơn đã vấp phải sự phản đối của những nước gây ô nhiễm nhất, đặc biệt là Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia và Mỹ. Những nước này hầu như không đưa ra một cam kết nào.
Các nhà hoạt động trên thế giới đã phản ứng lại với các hành động của chính phủ bằng các cuôc biểu tình, điển hình là Cuộc đình công khí hậu tháng 9 (September’s Global Climate Strike). Được khích lệ bởi nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, hàng triệu người trên khắp 150 quốc gia trên khắp thế giới đã xuống đường để yêu cầu các chính phủ hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề môi trường.
Đẩy lùi ranh giới sinh học
Một năm thách thức đối với giới hạn sinh học và đạo đức trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học Mỹ đã hồi sinh bộ não của loài lợn 4 giờ sau khi đầu của chúng bị cắt đứt bằng cách bơm vào đó một chất lỏng giàu dinh dưỡng và oxy để thay thế cho máu. Thủ thuật này kích hoạt việc tiêu thụ đường và các chức năng trao đổi chất khác và cho thấy bộ não vẫn hoạt động.
Trong một thí nghiệm ngoài cơ thể khác, các nhà khoa học đã nuôi phôi khỉ trong gần 3 tuần- lâu hơn phôi linh trưởng từng được nuôi trong phòng thí nghiệm trước đây. “Chiến công” này đặt ra câu hỏi liệu phôi người được nuôi trong phòng thí nghiệm có được phép phát triển sau 14 ngày- một “giới hạn đỏ” được áp đặt ở hầu hết các quốc gia- hay không.
Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng lâm sàng các tế bào gốc đa năng cảm ứng. Vào tháng 9, một nhóm các nhà khoa học nước này đã sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tấm tế bào giác mạc có thể cấy ghép cho những người phụ nữ bị suy giảm thị lực. Trong thập kỷ qua, các bác sĩ Nhật Bản đã sử dụng tế bào iPS để chữa bệnh Parkinson và một số bệnh về mắt khác.
Bộ xử lý lượng tử của Google – Ảnh: Google |
Sự kỳ diệu của lượng tử
Các nhà vật lý học đã đạt được cột mốc chờ đợi từ lâu trong điện toán lượng tử. Vào tháng 10, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Google tuyên bố họ đã thiết kế được một máy tính lượng tử chỉ cần 200 giây để giải quyết một phép tính mà ngay cả siêu máy tính nhanh nhất thế giới cũng phải mất 10.000 năm mới tính ra.
Một đơn vị khác của Google, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) DeepMind có trụ sở tại London, cho biết nền tàng AI của họ đã có thể đánh bại hầu hết các nhà vô địch của trò chơi StarCraft 2. Các nền tảng trí tuệ nhân tạo của DeepMind đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới trong vài năm trở lại đây nhờ vào khả năng làm chủ tuyệt vời đối với các trò chơi phức tạp như cờ vua, shogi và Go.
Chỉnh sửa gene
Khi năm 2019 vừa chỉ mới bắt đầu, thế giới “sốc” với thông báo nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tuyên bố đã chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh từ một người cha dương tính với HIV. Cặp song sinh này có ADN được chỉnh sửa bằng kỹ thuật CRISPR nhằm ngăn ngừa khỏi bị nhiễm HIV. Vào tháng 1, Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam tại Thâm Quyến đã sa thải Hạ Kiến Khuê sau khi Bộ Y tế Trung Quốc phát hiện ra rằng ông ta đã vi phạm các quy định quốc gia cấm sử dụng chỉnh sửa gene cho mục đích sinh sản. Vào tháng 3, Bộ Y tế nước này đã ban hành thêm các quy định dự thảo bao gồm các hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm các quy tắc liên quan đến chỉnh sửa gene ở người. Cũng trong tháng này, một ủy ban tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi thành lập một cơ quan đăng ký toàn cầu các nghiên cứu chỉnh sửa gene và phản đối việc sử dụng lâm sàng chỉnh sửa gene ở người.
Trong khi các cuộc tranh luận xung quanh việc chỉnh sửa gene trong phòng thí nghiệm vẫn diễn ra thì các nhà nghiên cứu đang tiếp tục cải thiện công nghệ này. Vào tháng 10, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi nhà sinh vật học David Liu đã tiết lộ một phương pháp gọi là chỉnh sửa sơ khai. Kết quả ban đầu cho thấy công cụ thay thế này có thể chính xác hơn so với chỉnh sửa CRISPR-Cas9 tiêu chuẩn, có thể giảm bớt một số lo ngại về sự an toàn của việc chỉnh sửa gene ở người.
Nhân viên y tế làm việc tại nơi bùng phát dịch Ebola ở Congo |
Sức khỏe con người
Dịch bệnh Ebola bùng phát suốt năm qua tại phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến 2.200 người tử vong kể từ khi nó bắt đầu xuất hiện vào tháng 8 năm 2018. Vào tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại đây – mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm 4 loại thuốc để chữa căn bệnh này. Họ phát hiện ra rằng có 2 liệu pháp dựa trên kháng thể đã chữa khỏi 90% số bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh. Các nhân viên y tế cũng đã cung cấp cho hơn 256.000 người dân ở phía đông Cộng hòa Congo một loại vaccine ngừa Ebola mới do công ty dược Merck sản xuất. Vào tháng 11, vaccine này trở thành liệu pháp đầu tiên trên thế giới được cơ quan chức năng chấp thuận.
Tại Mỹ, một đợt bùng phát các ca tổn thương phổi do thuốc lá điện tử đã khiến hơn 50 người chết và hơn 2.000 người phải nhập viện, buộc các nhà khoa học và quan chức về sức khỏe phải tranh cãi để tìm ra nguyên nhân.
Và vào tháng 3, một bệnh nhân nhiễm HIV đã được chẩn đoán là không còn virus sau khi được cấy tế bào gốc hoán đổi các tế bào bạch cầu với các phiên bản kháng HIV. Đây là bệnh nhân thứ 2, sau Timothy Ray Brown của Đức vào năm 2009, được chữa trị thành công “căn bệnh thế kỷ”.
Vũ Phong (theo Nature)/VGP
Bài viết liên quan
Du khách nói gì khi tham quan thành phố bằng xe điện du lịch?
Hình thức tham quan thành phố bằng xe điện du lịch đã trở nên phổ [...]
Th8
Bảng giá thuê xe điện du lịch dành cho hội nhóm
Dịch vụ cho thuê xe điện ngày càng phát triển đặc biệt cho thuê xe [...]
Th7
Xe điện du lịch chở khách tham quan: Giải pháp di chuyển hiện đại và thân thiện môi trường
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng phát triển và nhu cầu du lịch [...]
Th6
Đặt xe điện du lịch ở đâu? – Lựa chọn nào tốt nhất cho chuyến đi của bạn
Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch thân thiện với môi trường [...]
Th6
Sự thật không phải ai cũng biết về xe điện du lịch
Xe điện du lịch đang ngày càng phổ biến tại các thành phố nên du [...]
Th5
Xe điện du lịch và những điều cần biết
Bạn đã từng thắc mắc tại sao xe điện du lịch lại trở thành phương [...]
Th4